Một số loại pháo Pháo (lễ hội)

Pháo sử dụng thuốc nổ, thuốc cháy

Một số loại pháo hoa
  • Pháo hoa: Các loại pháo (thường được làm công nghiệp tại các nhà máy) được bắn lên trời tạo màu sắc của ánh sáng, tiếng nổ, hình khối màu trong một khoảng thời gian nhất định. Phổ biến toàn thế giới như một loại pháo dùng cho đại lễ, pháo hoa hiện cũng được Việt Nam sử dụng để bắn trong lễ đón giao thừa, hay trong các ngày lễ trang trọng tại các thành phố lớn.
  • Pháo sáng (pháo hiệu hay hỏa châu): Thường sử dụng trong quân sự, cứu hộ, nhưng cũng được sử dụng để bắn trong lễ hội về đêm, trong các màn bắn pháo hoa ngày lễ...
  • Pháo dù: Là loại pháo sau khi nổ bung ra một cái dù màu sắc đẹp mang theo cờ hoặc khẩu hiệu chào mừng. Pháo này phải đốt hoặc phóng cho nổ trên cao.
  • Pháo tháp: Các tháp bố trí nhiều loại pháo theo tầng, trên cùng thường là pháo mặt trời xoay tít, dọc theo tháp pháo là các bánh pháo rất dài và các loại pháo khác đốt cháy, nổ, phun lửa, tạo nhiều hoạt cảnh theo điển tích dân gian. Thịnh hành tại các hội pháo như Hội pháo Bình Đà.
  • Pháo phụt: Pháo làm dạng cây (Pháo cây), với một phần thuốc phóng nhồi xen lẫn với các viên thuốc nổ kết hợp với phụ gia tạo màu khi cháy, khi đốt thuốc phóng cháy lần lượt phóng các viên thuốc nổ lên trời và cháy sáng các màu khác nhau.
Pháo thăng thiên
  • Pháo thăng thiên: Pháo làm dạng mũi tên, với một phần thân nhồi thuốc phóng, đầu phía gần ngòi được làm không quá chắc chắn để thuốc phóng dễ dàng phụt ra ngoài tạo phản lực đẩy quả pháo đi. Đầu quả pháo nhồi thuốc nổ với các quả pháo con hoặc các viên thuốc nổ kết hợp phụ gia tạo màu. Pháo thăng thiên được gắn vào một que tre nhỏ và dài như lõi que hương để có thể mắc quả pháo vào dây hay cắm xuống đất mịn để khi được kích hoạt quả pháo bay theo quỹ đạo thẳng. Bên cạnh loại gắn que, một số loại pháo thăng thiên tương đối lớn thường làm theo hình quả tên lửa, có cánh định hướng, được đặt trên mặt phẳng khi đốt. Nguyên lý tương tự các quả pháo hoa công nghiệp nhưng pháo thăng thiên thường được làm thủ công. Khi đốt thuốc phóng cháy đẩy phần đầu quả pháo bay lên cao và phần đầu của pháo phát nổ khi tới hạn.
  • Pháo nhị thanh, pháo tam thanh: Là loại kết hợp giữa pháo thăng thiên và pháo nổ. Phần đầu quả pháo chia thành hai hoặc ba ngăn riêng biệt, nhồi thuốc nổ và có ngòi. Khi thuốc phóng cháy hết sẽ lần lượt kích nổ từng ngăn một tạo ra hai hoặc ba tiếng nổ.
  • Pháo dây: Dây làm dạng ngòi pháo, cho thêm chất phụ gia (như bột nhôm) để khi đốt cháy sẽ phát sáng lấp lánh. Một biến thể về sau của loại pháo này là pháo que làm dạng giống que hương.
  • Pháo giật: Còn gọi là pháo xiết, là loại pháo nổ nhưng trong thân pháo, ngoài thuốc nổ còn có hai mảnh nhỏ để tạo ma sát được gắn sát nhau vào cùng một sợi dây, đầu dây thò ra ngoài mỗi đầu quả pháo. Pháo được kích nổ bằng cách giật mạnh hai đầu dây. Loại pháo này thường có liều lượng thuốc nổ ít để tránh gây nguy hiểm cho người giật.
  • Pháo nện: Là loại pháo sức nổ nhỏ được kẹp giữa hai lớp giấy mỏng, dùng búa hoặc hòn sỏi đập cho nổ. Người ta cũng chế ra súng đồ chơi bắn pháo nện. Loại pháo này chỉ dùng cho trẻ con chơi.
Bánh pháo
  • Pháo bánh: Các quả pháo được tết thành băng pháo, xem thêm bánh pháo: được đốt tại các hội thi pháo, khai mạc lễ hội (làng, xã, quốc gia) hoặc sử dụng trong gia đình ngày lễ tết, lên lão, ma chay...
  • Pháo ném: Còn gọi là pháo đập, là các loại pháo được nhồi thuốc nổ nhạy kết hợp với những vật nhỏ tạo ma sát (như mảnh đá, sứ...), cho phép pháo tự kích nổ khi bị ném vào vật cứng.
  • Pháo diêm to bằng đầu đũa, dài cỡ que tăm đựng trong những hộp nhỏ bằng bao diêm. Chỉ cần đánh vào vỏ hộp như cách đánh diêm là pháo phát nổ.
  • Pháo tép: Các loại pháo có kích thước nhỏ.
  • Pháo cối hay Pháo đại: các loại pháo lớn từ ngón tay cái người lớn trở lên, tiếng nổ to, sức nổ mạnh.
  • Pháo chuột, còn gọi là pháo xì: Là loại pháo có nguyên lý giống pháo thăng thiên nhưng thuốc phóng tạo phản lực không mạnh bằng, phần đầu quả pháo không nhồi thuốc nổ mà nhồi thuốc tạo khói. Thân pháo cũng không gắn que tre như pháo thăng thiên. Khi đốt, quả pháo chạy theo quỹ đạo ngoằn ngoèo trên mặt đất (giống chuột chạy) và cuối cùng xịt ra một đám khói. Loại pháo này những năm gần đây ít phổ biến và từ pháo chuột còn dùng để chỉ những loại pháo bánh cỡ nhỏ.
  • Pháo vịt: Nguyên lý giống pháo chuột nhưng được chế tác để có thể nổi trên mặt nước, thường cho thêm phụ gia tạo màu. Khi đốt, pháo chạy loằng ngoằng trên mặt ao, hồ với màu sắc rự rỡ. Loại pháo này hay được dùng trong nghệ thuật múa rối nước.

Các loại pháo khác

  • Pháo giấy: Pháo giấy không sử dụng thuốc nổ mà sử dụng khí nén trong ống nhồi chặt các mảnh giấy màu vụn. Rất thịnh hành hiện nay như những cây pháo thay thế cho pháo sử dụng thuốc nổ, khi kích hoạt cây pháo sẽ phụt tung lên trời các mảnh giấy màu sắc lấp lánh, tạo quang cảnh rực rỡ.
  • Pháo trúc, xuất xứ từ xa xưa tại Trung Quốc, tuy đôi khi hiện nay vẫn được chơi tại một số nơi trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Các ống trúc còn giữ nguyên đốt bịt kín hai đầu được ném vào đống lửa để tạo tiếng nổ.
  • Pháo đất: nặn đất sét tạo hình khoang và người chơi đập phần khoang đó xuống mặt đất bằng phẳng để không khí trong lòng pháo bị ép lại tạo tiếng nổ. Trẻ em Việt Nam trước kia hay chơi loại pháo này.